Kết quả, đánh giá và ảnh hưởng Chiến_dịch_Bão_Mùa_đông

Kết quả

Cụm tập đoàn quân Sông Đông (Đức) đã không hoàn thành được nhiệm vụ giải vây cho Tập đoàn quân 6 và một phần Tập đoàn quân xe tăng 4 (Đức) đang bị bao vây trong khu vực Stalingrad. Không những thế, hai quân đoàn xe tăng 48 và 57 cũng chịu nhiều thiệt hại nặng nề, đặc biệt là Cụm quân Hoth. Việc đập tan kế hoạch giải vây của quân Đức đã giúp cho Hồng quân Liên Xô có thể tập trung toàn lực để hoàn thành mục đích chính của họ: tiêu diệt khối quân Đức đang bị bao vây trong "cái túi" ở Stalingrad và mở các chiến dịch tấn công mới sang phía Tây trong mùa Đông.[38] Hồng quân Xô Viết đã có thể huy động 15 vạn quân và 630 xe tăng để tấn công vào Tập đoàn quân thiết giáp số 4 của Đức lúc này đang rút lui. Lực lượng đang rút lui của Đức đã bị các Tập đoàn quân 51, Quân đoàn bộ binh cận vệ 1Quân đoàn xe tăng 7 tấn công tại khu vực giữa sông Myshkova và sông Aksay - trong khi đó Quân đoàn cơ giới 4 của tướng V. T. Volsky (đến ngày 18 tháng 12 năm 1942 đổi tên thành Quân đoàn cơ giới cận vệ 3) được rút về hậu tuyến để tái tổ chức lực lượng nên không thể tham gia trận đánh này.[39] Trong vòng 3 ngày Hồng quân đã chọc thủng các lực lượng Romania bảo vệ cạnh sườn của Quân đoàn thiết giáp số 57 và đe dọa mặt Nam của Tập đoàn quân số 4, buộc quân Đức phải tiếp tục rút lui về phía Tây Nam.[40] Trong lúc đó, Quân đoàn thiết giáp số 48 - với lực lượng chủ lực là Sư đoàn thiết giáp số 11 - vẫn tiếp tục giữ vững vị trí của họ tại sông Chir.[41] Bất chấp thành công này, người Đức buộc phải vội vàng điều Quân đoàn thiết giáp số 48 đến bảo vệ Rostov trước tình hình Hồng quân đã đột phá được trận tuyến sau khi đánh tan Tập đoàn quân số 8 của Italia.[42] Khi Hồng quân truy kích Tập đoàn quân thiết giáp số 4 đến sông Aksai và việc họ đập tan các phòng tuyến của quân Đức trên bờ sông Chir, họ cũng bắt đầu chuẩn bị cho Chiến dịch Cái Vòng nhằm thanh toán hoàn toàn khối quân Đức nằm trong vòng vây ở Stalingrad.[43]

Ảnh hưởng

Về phía Đức, lúc này Cụm quân bị vây của Thống chế Paulus bắt đầu lâm vào tình trạng cạn kiệt lương thực, thậm chí những con ngựa đã bắt đầu bị làm thịt.[44] Đến cuối năm 1942, khoảng cách giữa Tập đoàn quân số 6 và lực lượng Đức bên ngoài vòng vây là hơn 65 km, thêm vào đó các lực lượng Đức đóng trong khu vực đã trở nên quá suy yếu.[45] Tuy nhiên Hitler vẫn cố chấp yêu cầu phải chiếm bằng được Stalingrad bất chấp việc hy sinh toàn bộ Tập đoàn quân số 6.[46] Việc các đợt tấn công của quân Đức bị dừng lại giúp cho Hồng quân có thể tập trung lực lượng để cắt đường rút lui của quân Đức đang đóng ở Kavkaz vào giữa tháng 1.[47] Nhưng Hồng quân cũng đã phải tập trung quá nhiều binh lực để đối phó với Tập đoàn quân số 6, việc này đã ảnh hưởng đến các chiến dịch tấn công của Hồng quân trên các khu vực khác.[48]

Đánh giá

Sau chiến dịch, Adolf Hitler có ý buộc mọi trách nhiệm cho Thống chế Erich von Manstein là đã không tận dụng và huy động hết mọi lực lượng có trong tay để giải vây cho Tập đoàn quân 6 (Đức). Tuy nhiên, các tướng lĩnh Đức đã chứng minh cho ông ta thấy Thống chế Paulus theo lệnh trên đã giữ nguyên vị trí đóng quân tại Stalingrad và vì thế, ông ta không thể tham gia vào cuộc hành quân để tự giải cứu mình.[49]

Mặt khác, cuộc tấn công Bão Mùa đông của Cụm tập đoàn quân Sông Đông đã diễn ra trong sự thúc ép dữ dội của Hitler đòi Cụm tập đoàn quân này phải nối liên lạc ngay với Tập đoàn quân 6 trong khi vẫn phải giữ Stalingrad. Trong khi đó thì binh lực của Cụm tập đoàn quân Sông Đông rõ ràng là không đủ để chọc thủ cả hai vòng vây phía trong và phía ngoài của quân đội Liên Xô. Trong số 7 sư đoàn mà người ta hứa tăng viện cho Cụm tập đoàn quân Sông Đông, có ba sư đoàn không bao giờ tới chiến trường.[7] Do đó, Cụm tập đoàn quân Sông Đông đã phải tấn công sớm mà không tập trung đủ lực lượng.[50]

Cuối cùng, thất bại của cuộc hành quân Bão Mùa đông còn do việc quân đội Liên Xô vẫn đủ lực lượng để nắm quyền chủ động chiến lược trên chiến trường. Phát động tấn công vào thời điểm quân đội Liên Xô khởi động "Chiến dịch Sao Thỏ nhỏ", quân đội Đức đã phạm sai lầm đánh giá thấp đối phương. Chỉ đến khi tướng Karl-Adolf Hollidt buộc phải đưa Quân đoàn xe tăng 48 (vốn dành cho cuộc tấn công ở cánh Bắc) quay ra đối phó với đòn đột kích của Quân đoàn xe tăng 24 (Liên Xô) vào khu vực Tatsinskaya và lời từ chối tham gia tự giải vây của Paulus, Tướng Hermann Hoth mới nhận ra cuộc tấn công của mình đã trở nên đơn độc[12]. Thống chế Erich von Manstein cho rằng, thất bại của tập đoàn quân 8 Italia và sự thụ động của Cụm Tập đoàn quân B do thống chế Maximilian Freiherr von Weichs chỉ huy đã làm cho Cụm Tập đoàn quân Sông Đông bị hở sườn trái và phải điều Cụm tác chiến Hollidt ra đối phó; do đó, chỉ có thể huy động Cụm quân Hoth tham gia chiến dịch:

Giờ đây, quyền chủ động trên mặt trận phía Đông sông Đông đã chuyển sang tay đối phương. Ngày 25 tháng 12, với binh lực ngày càng tăng, đối phương đã công kích vào Quân đoàn xe tăng 57 trên sông Myskova và ép nó về sông Aksay. Những ngày sau đó cho thấy rõ là đối phương quyết định đánh bọc sườn quân đoàn này từ cả hai phía Đông và Tây... Vì đã điều động đến chiến trường lực lượng dự bị lớn hơn ta nhiều lần, đối phương đã buộc Tập đoàn quân xe tăng 4 trong những ngày sau đó phải rút xa hơn nữa, đến tận Kotenikovo là nơi tập đoàn quân ấy đã mở đầu cuộc tiến công của nó ngày 12 tháng 12. Những cố gắng đã bắt đầu ngày 12 tháng 12 để cứu nguy cho Tập đoàn quân 6 đã thất bại. Trong tình hình cụ thể lúc bấy giờ, liệu có còn hy vọng nào lặp lại cố gắng đó không. Giờ đây, khi đã có thể nhìn lại toàn bộ quá trình diễn biến tình hình trên mặt trận của Cụm tập đoàn quân B, thì câu hỏi này có lẽ phải trả lời là không. Nhưng vào lúc đó thì không thể thấy trước được rằng những thất bại của Tập đoàn quân 8 Italia còn dẫn đến những thất bại lớn hơn đối với Tập đoàn quân 2 Hungary trên sông Đông. Vì vậy, Bộ chỉ huy Cụm tập đoàn quân Sông Đông cho rằng mình không có quyền từ bỏ hy vọng cứu nguy cho Tập đoàn quân 6, mặc dầu chúng tôi biết rằng làm được như vậy rất khó khăn
— Erich von Manstein, [7]

Còn đại tướng A. M. Vasilevsky, người chịu trách nhiệm phối hợp chỉ huy các phương diện quân Liên Xô tại Stalingrad chống lại chiến dịch Bão Mùa đông của quân Đức thì cho rằng:

Chính trong những ngày này, tại đây, trên các gò đất bị chia cắt bởi những khe hẻm, đã diễn ra những trận đánh định đoạt số phận của toàn bộ chiến dịch Stalingrad
— Aleksandr Vasilevsky, [51]

Hệ quả khả quan nhất mà Chiến dịch Bão Mùa đông đạt được là buộc quân đội Liên Xô phải từ bỏ mục tiêu ban đầu trong kế hoạch Chiến dịch Sao Thổ và thực hiện "Chiến dịch Sao Thổ nhỏ" với mục tiêu hạn chế hơn, do đó, tranh thủ thời gian để rút được phần lớn chủ lực Cụm của tập đoàn quân A ra khỏi "cái túi" thứ hai sắp bị quân đội Liên Xô siết lại tại vùng Bắc Kavkaz và thảo nguyên Kuban. Còn đối với Cụm quân Stalingrad của Thống chế Paulus thì chỉ một tháng sau số phận của nó đã không còn gì có thể cứu vãn nổi trong Chiến dịch Cái Vòng.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chiến_dịch_Bão_Mùa_đông http://books.google.com.au/books?id=6NLC9Rl-olAC&p... http://ww2stats.com/cas_ger_okh_dec42.html http://militera.lib.ru/h/isaev_av8/index.html http://militera.lib.ru/h/samsonov1/08.html http://militera.lib.ru/h/samsonov1/index.html http://militera.lib.ru/h/tippelskirch/07.html http://militera.lib.ru/h/tippelskirch/index.html http://militera.lib.ru/memo/german/manstein/12.htm... http://militera.lib.ru/memo/german/manstein/index.... http://velikvoy.ru/karta/front_armiya_oper/kotelni...